Cụ Thống Linh tên thật là Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1915, tại làng Mỹ Ngãi, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Ngay từ nhỏ, Cụ đã thể hiện là một người có khí phách anh hùng, trong những lần giao du, bàn luận với bạn bè, Cụ tỏ ra là người can trường, chính trực hay bênh vực kẻ yếu thế.
Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862), Cụ tham gia chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều tại Đồng Tháp Mười. Do có tài thao lược nên được phong làm Thống lãnh binh.
Trước cảnh nước mất nhà tan, không cam tâm nhìn đồng bào bị giết hại, Cụ đã đứng ra chiêu mộ binh sĩ chống giặc, liên kết với nghĩa quân Thiên Hộ Dương (vị anh hùng dân tộc) và đặt dưới quyền chỉ huy của vị anh hùng này, đồng thời được nghĩa quân tôn lên làm thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh gọi tắt là Thống Linh.
Cụ và Đốc Binh Kiều là hai tướng tài giỏi của Thiên Hộ Dương đã hô hào vận động binh sĩ và nhân dân xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười ngày một vững chắc. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Cụ đã lập được nhiều chiến công to, đánh trả được nhiều đợt càn quét của địch, bẻ gãy âm mưu bình định của chúng, làm cho tinh thần địch hoang mang tột độ mỗi khi tấn công vào căn cứ Đồng Tháp Mười.
Một hôm, trong lần đi chiêu mộ binh sĩ, Cụ ghé vào thăm gia đình, giặc Pháp cho người theo dõi dùng quân lính bao vây và bắt Cụ. Bọn chúng biết Cụ là người tài giỏi nên dùng những lời lẽ ngọt ngào dụ dỗ hòng lung lạc lòng yêu nước của Cụ, dùng vật chất cám dỗ mua chuộc… Nhưng với phẩm chất người quân tử: “Thà chết vinh hơn sống nhục”, Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh quyết hi sinh trước thủ đoạn đê hèn của bọn tay sai.
Biết không thể buộc Cụ quy hàng, nên vào ngày 07 tháng 07 năm 1865, bọn chúng đã đem Cụ ra giết cùng hai người bạn chiến đấu là Thống Bình và Thống Chiếu. Trước khi đầu lìa khỏi cổ, Cụ vẫn không hế nao núng sợ sệt, vẫn bình thản ngâm thơ:
Rất tiếc thù chung chưa trả được
Sụt sùi chín suối dễ nào nguôi.
Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh đã hi sinh một cách oanh liệt. Dù kẻ thù đã giết được Cụ, thân xác không còn nữa nhưng tinh thần và ý chí của Cụ đã làm bọn chúng thán phục và nể sợ. Hình ảnh cao đẹp, khí phách anh hùng đó vẫn luôn được người thân và nhân dân lưu truyền như một bức tranh quý giá về tinh thần yêu nước của dân tộc được phản ánh qua vần thơ của hậu thế:
Lịch sử đáng nêu cụ Thống Linh
Trung can vì nước đã quê mình
Giận người sống mất suy ra nhục
Thương kẻ thác còn nghĩ lại vinh
Bao tiếng ngọt ngon lòng chẳng núng
Lắm lần đe dọa chí không kinh
Ngâm câu ly hận cười người phản
Quốc vận từ đây phú hậu sinh.
Sau khi bị giết hại, xác của Cụ được nhân dân và người thân mang về chôn cất ở phần đất gia tộc. Lúc đầu chỉ là ngôi mộ đất, đến khoảng năm 1957-1960 được nhân dân và gia đình quyên góp xây lại thành ngôi mộ kiên cố có kích thước: Dài 2 m, Rộng 1m, Cao 1m. Phía trước có đề nội dung mộ bia: Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh, tử ngày 07 tháng 07 năm 1862 thọ 47 tuổi.
Để tưởng nhớ và ghi ơn người anh hùng, nhân dân và con cháu đã an táng Cụ tại quê nhà. Dù vậy, với bản chất thâm độc, bọn giặc ngăn cản không cho nhân dân thờ cúng ông nhưng với lòng thương tiếc ngậm ngùi, không thể bội ơn người nghĩa sĩ, đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta, nhân dân đã tìm cách qua mắt địch, xây dựng một ngôi chùa (tại xã Mỹ Ngãi) lấy danh nghĩa thờ Quan Đế Thánh Quân nhưng thực chất là thờ ba vị Thống Linh, Thống Bình và Thống Chiếu. Ngoài ra, nhân dân còn lấy tên Thống Linh đặt cho tên chợ trong Mỹ Ngãi nằm ngay ngã tư thầy Kiện – Nguyễn Văn Tuyết tức ngã tư Thống Linh bây giờ.
Theo lời của gia tộc cụ Thống Linh truyền tụng thì Thống Bình – Thống Chiếu là hai nghĩa sĩ cùng chiến đấu chống Pháp và cùng hi sinh chung với cụ Thống Linh. Hiện nay chưa tìm được tài liệu nói về thân thế của hai ông cũng như không tìm được người thân và phần mộ bị thất lạc.
Năm 1970, thể theo nguyện vọng của nhân dân và thân nhân cụ Thống Linh đã dời Bài vị về phần đất gia tộc thành lập đền thờ để thờ ba vị đại thần do ông Nguyễn Văn Thôn – cháu đời thứ tư của cụ Thống Linh đứng ra xây cất và trông nom.
Tượng cụ Thống Linh được xây dựng năm 1967, tại phường 2, thành phố Cao Lãnh. Tác giả là ông Nguyễn Sinh, người làng Hòa An – Cao Lãnh. Tượng được phóng tác theo diện mạo của ông Nguyễn Văn Thôn, sinh năm 1922 – cháu đời thứ tư của cụ Thống Linh. Tượng có chiều cao 3 m, chất liệu bê tông sơn màu đen, tư thế đứng thẳng, tay phải thủ thanh gươm sau lưng, tay trái chỉ về phía trước, đầu chít khăn, chân mang giày, lưng thắt đai mang dáng vóc của người anh hùng áo vải uy nghi. Tượng được đặt trên bệ cao 3 m được cấu trúc ba tầng theo dạng hình khối tứ giác, càng lên cao nhỏ dần theo hình tháp, trước bệ tượng có đặt tấm bảng đồng khắc chữ cụ Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh.
Lễ giỗ cụ Thống Linh được Ủy ban nhân dân thành phố Cao lãnh tổ chức vào ngày mùng 07 tháng 7 âm lịch hằng năm.